Di tích

Phật viện Đồng Dương

 

     Quá trình hình thành và phát triển của Quảng Nam nói chung và Thăng Bình nói riêng hòa quyện vào lịch sử đất nước và con người Việt Nam. Dấu ấn của mỗi giai đoạn lịch sử được thể hiện qua những di tích sẽ mãi mãi trường tồn nếu con người biết tôn trọng, bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa của tiền nhân. Nhưng thật đáng tiếc vì nhiều lý do trong đó có lý do vì chiến tranh, vì sự tác động của thiên nhiên, vì sự nông nổi và thiếu hiểu biết của con người nên một số di tích bị phai mờ, hư hại, thất lạc… Phật viện Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình, Tỉnh Quảng Nam) là một trong những di tích có “số phận lịch sử” như vậy.

     Sách Đại Nam Nhất thống chí của Triều Nguyễn, trong phần tỉnh Quảng Nam, có nói đến khu di tích Đồng Dương như sau: “Huyện Lễ Dương, có hai tháp ở thôn Đồng Dương. Hai tháp cách nhau mười lăm trượng, có một tòa cao bốn trượng, xây gạch, trên hình bát giác, dưới hình vuông, mỗi mặt dài một trượng. Cách đó bốn mươi trượng, có nền cũ”. Nhưng chỉ sau những phát hiện và công bố của L.Finot vào năm 1901 và nhất là sau cuộc khai quật của H.Parmentier vào năm 1902, thì khu Đồng Dương mới trở thành  một trong những di tích quan trọng vào bậc nhất của Champa.
     Theo công bố năm 1901 của L.Finot, đã phát hiện ra ở Đồng Dương 229 hiện vật, trong đó có pho tượng Phật bằng đồng nổi tiếng, cao hơn một mét (hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh). Ngay sau khi được phát hiện Tượng Phật Đồng Dương lập tức trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà khoa học danh tiếng của thế giới. Theo các nhà nghiên cứu, Tượng Đồng Dương mang phong cách của tượng Phật vùng AMaravati của Ấn Độ và là một trong những tượng Phật cổ nhất và vào loại đẹp nhất ở Đông Nam Á.
     Một năm sau ngày phát hiện ra pho tượng Phật bằng đồng nổi tiếng nói trên, năm 1902 nhà khảo cổ học người Pháp H.Parmentier đã đến và tiến hành khai quật Đồng Dương. Bằng cuộc khai quật của mình H.Parmentier đã phát hiện ra cả một quần thể kiến trúc lớn vào loại bậc nhất và cũng độc đáo nhất của Champa và Đông Nam Á. Toàn bộ khu di tích là những cụm kiến trúc kế tiếp nhau chạy dài suốt 1.330 mét theo hướng từ Tây sang Đông. Trong đó, khu đền thờ nằm trong một vành đai hình chữ nhật dài 326 mét, rộng 155 mét, có tường bao quanh. Từ khu đền thờ chính một con đường rộng, dài 763 mét chạy về phía Đông, tới một thung lũng hình chữ nhật (dài 300 mét, rộng 240 mét). Nếu nhìn trên tổng thể mặt bằng của cả cụm di tích thì khu đền thở nằm ở trung tâm là khu duy nhất để lại những dấu tích các đền thờ bằng đá và đồng. Theo các nhà nghiên cứu, Đồng Dương chính là đô thành Indrapura của Vương triều Champa thứ tư (Vương triều Champa) do vua Indravarman sáng lập vào năm 875. Căn cứ vào nội dung Bia ký Đồng Dương các nhà nghiên cứu khẳng định đạo Phật của Champa là Phật giáo Đại Thừa.

Năm 1902, H.Parmentier đã khai quật di tích Đồng Dương

     Cuộc khai quật và giải tỏa năm 1902 của H.Parmentier tại Đồng Dương đã đem về Bảo tàng Đà Nẵng rất nhiều tác phẩm điêu khắc đẹp và có giá trị. Những tác phẩm điêu khắc Đồng Dương rất nhiều, nhưng tựu trung lại gồm có hai nhóm: những bức chạm nổi và tượng; trong đó những tác phẩm điêu khắc vào loại đẹp nhất và có giá trị nhất là những bức tượng đứng và tròn – Các môn thần ở Đồng Dương không chỉ là những tác phẩm điêu khắc vào loại lớn nhất (cao 2,15 mét) mà còn là những tượng tròn được thể hiện thành công nhất cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật của toàn bộ nền nghệ thuật điêu khắc cổ Champa.
     Với những giá trị đặc trưng về nghệ thuật điêu khắc, kiến trúc như “hoa lá kỳ ảo và nảy nở”, “sức sống mạnh mẽ của cá tính bản địa”, “tính nhân chủng, tính lạ kỳ, sức mạnh và sự đường bệ” – Những tác phẩm điêu khắc của thời kỳ này mang những yếu tố của Phật giáo Đại Thừa ở phương Bắc, kết hợp với nghệ thuật Ấn Độ giáo, cùng với sự sáng tạo độc đáo của những nghệ nhân bản địa, đã hình thành nên phong cách Đồng Dương nổi tiếng trong nghệ thuật Champa từ giữa đến cuối thế kỷ IX. Năm 1978, nhân dân địa phương đã tình cờ đào thấy ở Đồng Dương một pho tượng nữ thần bằng đồng cao 1,14 mét. Dựa trên những đặc trưng phong cách và các dấu hiệu biểu trưng của hoa sen cầm tay, hình phật Amitabha trên tóc, các nhà khoa học xác định tượng nữ thần này có niên đại và phong cách của Đồng Dương (năm 875) và là tượng Lôkevara.
     Ngày nay, toàn bộ khu đền tháp Đồng Dương hầu như đã bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại một mảng tường cao mà dân quanh vùng quen gọi là cổng Tháp Sáng, cũng đang có nguy cơ sụp đổ.
     Chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm về “xã hội hóa” trên nhiều lĩnh vực, trong đó có xã hội hóa quản lý, tu bổ di tích theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 (khóa VIII) của Đảng ta. “Xã hội hóa” hiểu theo một cách khái quát nhất đó là “nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhưng để thực hiện được quả là không dễ, nhất là đối với lĩnh vực quản lý, bảo tồn di tích – di sản văn hóa. Cụ thể như di tích Phật viện Đồng Dương được công nhận di tích Quốc gia từ ngày 21/8/2000, đến nay đã hơn 14 năm rồi “vẫn không có gì khác ngoài cái danh di tích lịch sử văn hóa Quốc gia” – như những người nhiều lần đến đây đã từng nói.
     Nghe đâu trước đây đã từng có một dự án với số tiền đầu tư hàng chục triệu đôla vào Quảng Nam của một đơn vị tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có một phần dành cho Đồng Dương. Nhân dân Đồng Dương và xã Bình Định lúc bấy giờ mừng lắm nhưng chờ hoài mà chẳng thấy, cuối cùng mới vỡ lẽ đó mới chỉ là dự định(!).
     Người nông dân bao đời nay gắn bó máu thịt với đất đai, thấy diện tích đất khoanh vùng trong khu phế tích cỏ mọc um tùm tiếc quá nên tự phát trồng cây lưu niên. Chính quyền địa phương và ngành chủ quản nhiều lần nhắc nhỡ, vận động bà con nhổ bỏ nhưng bà con cứ hẹn vì tiếc của, tiếc công chưa nở đốn đi. Chính quyền cơ sở thương dân và chưa hiểu hết giá trị của phế tích nên cũng lờ đi, chờ khi cây lớn đến tuổi khai thác thì vận động bà con cưa sát gốc trả lại đất cho khu phế tích. Thiết nghĩ, nếu nhà nước đầu tư dù ít dù nhiều vào đây, tối thiểu là để làm hàng rào bảo vệ chẳng hạn, khi đó kêu gọi nhân dân địa phương góp công, góp sức phát quang cây cỏ, dọn vệ sinh môi trương… và quản lý, bảo vệ khu di tích này là điều không mấy khó khăn. Như chúng ta đã biết, trong chiến tranh nhân dân ta đã từng thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, “xe chưa qua nhà không tiếc”, sau ngày giải phóng quê hương dân ta lại sẵn sàng phá cả ngôi nhà đang ở để đào kênh thủy lợi… Tấm lòng của người dân là vậy, nhưng yếu tố tiên quyết để thực hiện xã hội hóa lại là sự quan tâm thật sự bằng hành động của các cấp chính quyền và ngành chủ quản. Sau đó là phải làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục thông qua các đoàn thể, các tổ chức xã hội về nhận thức giá trị, về ý thức trách nhiệm và cả về kiến thức bảo tồn di tích đến với cộng đồng dân cư. Đồng thời cần phải có một hành lang pháp lý cụ thể vừa đảm bảo đúng pháp luật lại vừa phù hợp với thực tiễn cụ thể của địa phương.
     Trong khi chờ đợi dự án đầu tư của nhà nước và các tổ chức có liên quan, trước mắt chúng ta phải gấp rút làm hàng rào bảo vệ, phát quang cây cỏ, chống đỡ cổng Tháp Sáng bằng vật liệu kiên cố và làm một con đường bê – tông từ Quốc lộ 14 E vào khu phế tích, thành lập ban quản lý di tích, hợp đồng người bảo vệ. Về lâu dài, nên xây dựng nơi đây một Nhà trưng bày – Giới thiệu – Nghiên cứu khu di tích, có kế hoạch sưu tầm và phục chế các tác phẩm nghệ thuật Đồng Dương nhằm thu hút khách tham quan, phát triển các dịch vụ văn hóa và du lịch, liên kết với tuyến du lịch Mỹ Sơn – Hội An và các điểm du lịch trong tỉnh tạo ra tour tham quan du lịch văn hóa mang tính đặc thù, nếu có một dự án lớn nào đó đầu tư vào Đồng Dương, thì lực đẩy kinh tế sẽ lan tỏa, kéo theo những tác động tích cực về nhân sinh, góp phần làm sống lại không khí tâm linh của một thời huyền diệu – Khi ấy, như một nhà báo đã nói: “Tín ngưỡng ngày càng được coi trọng như nguồn mạch văn hóa thì người dân nơi đây và những ai yêu mến Đồng Dương có quyền mơ về những tiếng kinh cầu vang lên từ đổ nát, lúc đó nhựa tái sinh đâu chỉ dành riêng cho những viên gạch Chăm…”!
     Câu chuyện về một Đồng Dương huy hoàng của quá khứ sẽ còn được luận bàn rất nhiều, bởi phế tích có giá trị của phế tích. Mặc dầu hiện nay Đồng Dương chỉ còn là ký hiệu trên bản đồ di tích nhưng chắc chắn sẽ là điểm đến của tất cả những ai quan tâm đến lịch sử văn hóa và yêu mến Đồng Dương.

Sưu tầm và biên soạn: Phan Chí Thanh (PTP Văn hóa - Thông tin)

Chính phủ điện tử

Liên kết Website